top of page

Cầm "Sống lần thứ hai" trong tay, chúng ta may mắn được làm nhân chứng của quá trình chuyển hoá cá nhân tuyệt vời của Khánh Thương. Thương đã đón nhận thách thức lớn nhất của đời mình, căn bệnh ung thư vú, với một lòng quả cảm khổng lồ. Chặng đường cuối cùng của đời người, những bước đi tới cái chết, có thể bẻ gẫy người ta, nhưng nó cũng là cơ hội cuối cùng để con người trưởng thành và chín muồi.

Đặng Hoàng Giang

Thương đã đi qua nước mắt, sợ hãi, những cơn đau vật lý và buồn đau tinh thần, để chứng minh cho chính bản thân, cho người thân xung quanh, và cho những ai may mắn biết chị, rằng làm người có thể đẹp đẽ như thế nào, bất kể quãng thời gian làm người đó có thể ngắn ngủi ra sao.


Tôi khép lại cuốn sách với sự biết ơn. "Sống lần thứ hai" nhắc nhở tôi về cách sống và về cách chết.

“Sống lần thứ hai” là cuốn sách cần phải đọc cho không chỉ những người đang thấy mình mắc kẹt với một căn bệnh không thuốc chữa và đang đi rất nhanh về phía cái chết. Cuốn sách đáng đọc với cả những người vẫn còn đang sống, nhưng thực ra đang mắc kẹt với chính mình và đã “chết” từ rất lâu, chỉ tồn tại và đợi đến ngày được chôn! Vì lẽ đó, “Sống lần thứ hai” là lời nhắc nhở chúng ta sống sao cho trọn vẹn trong kiếp người ngắn ngủi này.

Như Thuỷ Tiên, em gái Thương Sobey đã viết trong cuốn sách, gia đình cô đón nhận cơn ác mộng ung thư vú đến

Hằng Đinh

Với Thương Sobey như một bất hạnh. Nhưng cuối cùng, họ biết ơn vì bất hạnh ấy đã đem đến những trải nghiệm và để lại một di sản vô giá.​​​

Bạn biết đấy, cõi đời vô thường, cuộc sống ngắn ngủi, ngày mai chưa chắc sẽ tới đâu. Giá như từ khi ta sinh ra, ai đó nói với ta rằng mỗi ngày thức giấc là ta gần hơn với cái chết, rằng ta đang chết đi mỗi ngày, chứ không phải là sống thêm một ngày, thì chắc ta sẽ trân trọng thời gian ta có hơn, yêu thương nhau hơn và sống cho mình nhiều hơn, sống đến tận cùng sự sống, và yêu đến tận cùng tình yêu. Như cách Thương Sobey đã sống và đã yêu trong “Sống lần thứ hai.”

Tăng Thanh Thảo

Tăng không có thói quen viết hay đọc nhật ký. Thật! mỗi ngày qua đi, sống trọn vẹn cho hết, lưu lại làm gì. Vậy mà lần này phá lệ đọc hơn 300 trang nhật ký của 2 chị em Thương Nguyễn Sobey và Nguyễn Thủy Tiên. Cả cuốn nhật ký là hành trình của người ra đi và những người loay hoay ở lại. Thương Nguyễn Sobey trạc tuổi Tăng và được chuẩn đoán ung thư vú, lúc phát hiện đã di căn xương và sau đó là những ngày tháng cô gái ấy sắp xếp cho sự sống còn lại của mình ý nghĩa nhất theo cách mà cô ấy mong muốn. Bức tranh bối cảnh gia đình hiện lên dưới tờ giấy chuẩn đoán của bác sĩ, những đợt mổ và hóa trị.

Đứa em gái mới hai mươi mấy tuổi cạo đi mái tóc của mình trước khi chị rụng tóc vì thuốc, bà mẹ gom hết tất cả các thang thuốc đông tây nam bắc với hy vọng cứu sống con gái mình, người chồng kiên cường đồng hành xuyên biên giới cùng vợ với tình yêu thương san sẻ...

Tăng không muốn đề cập đến những nỗi đau mà người ra đi đã phải chịu đựng, rồi cả nỗi đau mà những người ở lại vẫn còn phải xoay xở sống cùng. Tăng muốn nói đến những cảm xúc mà quyển sách mang đến cho Tăng như là một đọc giả. Nó cho Tăng những rung cảm với các mối gắn kết gia đình, chị em, vợ chồng, hàng xóm và cả những bệnh nhân K. Nó cho Tăng thấy sự cam đảm và nghị lực của các nhân vật trong câu chuyện và nó giúp Tăng nghĩ nhiều đến bản thân và tha nhân. Yêu thương và nguyện cầu sức khỏe, bình an cho những anh chị em cô bác ngoài kia... Đối với ai có người thân hay bản thân mình được chuẩn đoán ung thư, hãy nhớ rằng mình không đơn độc vì còn có chị em nhà Thương Nguyễn Sobey …

Bây giờ, thỉnh thoảng tôi lại nghĩ đến Thương và cái chết. Tôi nhận ra rằng mình không thể biết ngày nào mình còn sống. Nên phải sống, để ngày mai không thức dậy nữa, những người xung quanh vẫn có cớ để mỉm cười nhớ về. Đọc cuốn sách này, bạn chắc cũng sẽ nhận được niềm tin ấy.

Trần Tiễn Cao Đăng

“Sống lần thứ hai” khiến tôi không khỏi nghĩ đến Nguyễn Bích Lan. Thương Sobey và Bích Lan đối mặt với hai nghịch cảnh khác nhau, nhưng hai người có một điểm chung, một điểm chung cơ bản và cốt lõi: họ Không Gục Ngã.

 

Trong cả hai trường hợp, nghịch cảnh làm cho họ mạnh hơn và sống có ý nghĩa hơn. Quan trọng không phải số lượng ngày bạn sống. Quan trọng là chất lượng những ngày bạn sống, những điều tốt đẹp mà trong khoảng thời gian ít ỏi này bạn trao cho thế giới. Nếu chỉ trong ít ngày ta là một bông hoa, ta hãy là bông hoa đẹp nhất, sao cho trong ít ngày đó người đời nhận ra rằng thế giới này thực sự đáng sống, dù có chuyện gì đi chăng nữa. Cuốn sách còn là câu chuyện về một tình yêu tuyệt đẹp, loại tình yêu nằm ở cấp độ cao nhất của bản tính người.


Tôi kính trọng cô, Thương Sobey, một con người không gục ngã.

Rosie Nguyễn

Đọc những dòng nhật ký trong sách, tôi tìm thấy ở đây sự thành thật hiếm có. Ngay cả khi viết nhật ký, có không ít người vẫn muốn giữ lại điều gì đó cho riêng mình. Chị Thương Sobey thì khác. Chị không che giấu những trăn trở, những góc khuất, những điều mà ít ai mạnh dạn nói ra. Điều đó làm nổi bật cái tâm trong sáng nghĩ về người khác, đức tính can đảm đáng trân quý và tinh thần hy sinh vì lợi ích chung của cộng đồng.

 

Như trong quyển sách mà tôi cực kỳ tâm đắc, Đi Tìm Lẽ Sống, tôi lại bắt gặp cái tinh thần chấp nhận thử thách và vượt qua nghịch cảnh trong quyển sách này.

Xuyên suốt quyển sách là câu chuyện về cái chết. Nhưng không vì thế mà nó nhuốm màu u ám, bi lụy, hay đau buồn. Trái lại, điều ta tìm thấy là sự can đảm, nghị lực sống hết mình, tình yêu thương, lòng biết ơn, và niềm tin vào những điều tốt đẹp ở đời. Đọc từng dòng từng chữ, lòng ta lại khao khát và quyết tâm được sống với hết trái tim trong lành, sống sao cho ý nghĩa, cho xứng đáng với kiếp người mà mình đã được ban cho.

Đinh Đức Hoàng

Thương thì không cảm thấy bất lực. Thương lúc nào cũng lạc quan.

Thương hay làm tôi nhớ luận văn của một vị bác sỹ bên Anh. Ông bảo, ung thư là cách tuyệt vời nhất để chết. Người ta biết rằng mình sắp chết, ước lượng được thời gian còn lại trong đời của mình, để làm những việc mình thích, để nói tạm biệt với người thân. Chẳng có mấy cách chết cho phép người ta làm điều đó. Biết được thời gian còn lại của mình, là một dạng đặc ân.

Thương đúng là đã biến quãng thời gian còn lại của mình trở thành nhũng ngày đầy cảm hứng. Đau đớn chứ. Nhưng như Tiên nói, người ta chẳng thấy Thương than thở bao giờ.

Bây giờ thỉnh thoảng tôi lại nghĩ đến Thương và cái chết. Tôi tự hỏi rằng nếu mình có cái “đặc ân” biết được những ngày mình còn sống, tôi có thể cư xử như Thương hay không. Chắc nhiều người biết Thương cũng đã tự vấn mình câu hỏi ấy.

Irene Ohler

Sống lần thứ hai, or ‘a Second Chance at Life’ is three amazing stories in one: the Story of Thuong’s  last two years with breast cancer, the story of her sister Tien, who’s life will also be altered forever by her sister’s diagnosis, and last, but not least the story of the birth of Breast Cancer Network Vietnam through Thuong.


When confronted with a diagnosis like Thuong’s, we have a choice: we can despair, give in the ‘inevitable’, or we can turn this event into something that is bigger than ourselves.  This is the choice Thuong and, later her sister, Tien took.  


As a result we now have women talking openly about the taboo topics ‘breasts’ and ‘breast cancer’ in Vietnam!  The Breast Cancer Network VN has provided comfort and support to many women and their families in Vietnam, who previously would have had to deal with all this by themselves.


The most intimate part of the Book maybe is Thuong’s diary during her last two years of life from the day of her diagnosis.  It wasn’t always easy for me to read. But these private notes allow us a glimpse into Thuong’s heart and soul, and help us truly see cancer patients. "

bottom of page